Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ có nhiều sữa, liền sẹo và mau lành

Sau sinh mổ, mẹ thường mất rất nhiều máu. Vì thế, thực đơn cho mẹ sau sinh mổ cần phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh chóng tái tạo thêm lượng máu mới đồng thời hỗ trợ mẹ có được nhiều sữa cho con bú. Trong bài viết sau đây, Nutrihome sẽ gợi ý một số thực đơn ở cữ sau sinh mổ để giúp mẹ hồi phục nhanh, lợi sữa và nhanh liền sẹo.

Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho mẹ sau sinh mổ

Thông thường, với các mẹ sinh mổ, trên bụng sẽ xuất hiện một vết rạch lớn có khả năng nhiễm trùng và dễ để lại sẹo lồi nếu áp dụng chế độ ăn không phù hợp. Mặt khác, việc sử dụng thuốc mê trong quá trình phẫu thuật cũng có thể gián tiếp làm chậm hoạt động co bóp của nhu động ruột. Từ đó khiến cho dạ dày và ruột bị xáo trộn tạm thời gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí là viêm dạ dày. Vì thế, sản phụ sinh mổ nên đặc biệt thận trọng trong việc ăn uống, phải tuân theo chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh khoa học để giúp cơ thể nhanh hồi phục vết thương và không ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

Thông thường, trong vòng 6 giờ đầu tiên sau khi kết thúc ca mổ, sản phụ chỉ được phép uống nước lọc, truyền nước biển hoặc ăn cháo loãng. Sau khi đã “xì hơi” được ra ngoài lần đầu tiên sau mổ thì sản phụ có thể chuyển sang các loại thức ăn đặc hơn như cháo thịt bằm, súp, cơm nhão.

Sang đến ngày thứ hai, các mẹ có thể trở về với chế độ ăn bình thường nhưng thực đơn cho mẹ sau sinh mổ vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Phải có đầy đủ 4 nhóm chất: Bao gồm đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Ưu tiên thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, D, E, Sắt và Kẽm:
    • Vitamin A: Ở vết thương sau mổ, vitamin A kích thích tái tạo biểu bì, tăng tốc độ tái tạo và phục hồi các cấu trúc biểu mô, kích thích vết thương mau lành.
    • Vitamin C: Các nghiên cứu đã chứng minh, vitamin C tham gia vào tất cả các giai đoạn chữa lành vết thương. Sự thiếu hụt vitamin C sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp collagen ở da nên dễ hình thành sẹo.
    • Vitamin D3: Các gen được kiểm soát bởi vitamin D3 thúc đẩy việc tạo ra một peptide kháng khuẩn gọi là cathelicidin, mà hệ thống miễn dịch sử dụng để chống nhiễm trùng. Vết thương ngoài da cần vitamin D3 để bảo vệ khỏi nhiễm trùng và bắt đầu quá trình sửa chữa bình thường.
    • Vitamin E: Giúp bảo vệ các mô của cơ thể khỏi bị hư hại bằng cách đảm bảo các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, làm giảm đáng kể kích thước của các vết sẹo.
    • Sắt: Giúp cơ thể tổng hợp hồng cầu và vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, ngăn ngừa chứng thiếu máu sau sinh, giúp mẹ có đủ sữa cho con bú.
    • Kẽm: Theo nghiên cứu, Kẽm đóng vai trò chính trong việc điều chỉnh mọi giai đoạn của quá trình chữa lành vết thương; từ sửa chữa màng tế bào, quá trình oxy hóa, đông máu, kháng viêm và bảo vệ miễn dịch, tái tạo biểu mô, hình thành mạch, đến tiến trình xơ hóa và ngăn ngừa hình thành sẹo.
  • Đa dạng hóa thực phẩm: Thường xuyên thay đổi món ăn và đa dạng thực đơn ở cữ cho mẹ sinh mổ để giúp ăn ngon miệng hơn và tránh cảm giác ngán.

Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ nên tránh những gì?

Sau sinh mổ nên ăn gì kiêng gì là câu hỏi được nhiều rất nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm. Dưới đây sẽ là danh sách những thực phẩm mà mẹ bỉm nên tránh:

  • Loại bỏ thực phẩm gây đầy hơi khó tiêu: Đồ uống có ga, đồ ngọt, hành tây,… Những thực phẩm này có thể làm tăng quá trình sản xuất khí trong đường ruột gây đầy hơi chướng bụng.
  • Hạn chế thực phẩm dễ gây táo bón: Táo bón là một trong những vấn đề lớn mà phụ nữ phải đối mặt sau khi sinh. Vì thế, mẹ nên:
    • Ăn vừa đủ – tránh ăn nhiều hơn hoặc ít hơn 7 đơn vị đạm và 6.5 đơn vị sữa mỗi ngày: Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, 7 đơn vị đạm tương đương với 217g thịt lợn / 294g thịt gà / 329g trứng gà / 245g cá / 210g tôm / 406g đậu phụ còn 7 đơn vị sữa tương đương với 700ml sữa tươi / 700g sữa chua / 105g phô mai.
    • Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên: Ăn tối thiểu 4 đơn vị rau và 4 đơn vị quả mỗi ngày, tương đương với 320g rau bất kỳ đã được nấu chín và 320g hoa quả tươi tùy chọn.
    • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn: Thịt xông khói, đồ hộp, patê, thức ăn nhanh, đồ đông lạnh, giò chả,…Việc tiêu thụ các nhóm thực phẩm này dễ khiến cho dạ dày trở nên khó chịu và không thể đi ngoài được trong nhiều ngày, gây ảnh hưởng xấu đến vết mổ.
  • Hạn chế các thực phẩm dễ gây sẹo lồi: Sẹo của bạn có lồi hay không phần lớn là do cơ địa. Tuy nhiên, để loại trừ mọi tác nhân gây sẹo lồi đến từ dinh dưỡng, bạn cần nên hạn chế ăn rau muống, thịt gà, bò, hải sản, lòng trắng trứng, đồ nếp,…vì những thực phẩm này rất giàu sắt, đạm và vitamin, khiến tế bào collagen trong da sản sinh nhanh quá mức, dễ gây nên sẹo lồi.
  • Thức uống có caffeine và đồ uống có cồn: trà, cà phê, rượu, bia, nước ngọt,… Các loại đồ uống này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi vết thương mà còn gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
  • Thức ăn gây dị ứng cho cơ thể: Nếu mẹ có tiền sử bị dị ứng với các loại hải sản, các loại hạt, đậu phộng, đậu tương, lúa mì, hải sản, trứng,… Hãy chủ động tránh ăn các loại thực phẩm này trong thời kỳ ở cữ.

Những thực phẩm nên có trong thực đơn ở cữ cho mẹ sinh mổ

Thực đơn cơm ở cữ của một người mẹ sau sinh mổ cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Sau đây là một số thực phẩm nên có trong thực đơn của người mẹ trong thời gian này:

1. Thực phẩm giàu Protein

Chất đạm là thành phần quan trọng để xây dựng các tế bào mới và phục hồi các tổn thương. Mẹ cho con bú sau sinh mổ không nên ăn ít hơn 7 đơn vị đạm – tương đương với 49g protein trong thực đơn cho mẹ sau sinh mổ ăn mỗi ngày.

Protein là dưỡng chất cần thiết cho sản phụ sau sinh. Ngoài việc là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, protein còn:

  • Cung cấp axit amin để cơ thể tự xây dựng, tổng hợp và sửa chữa các tế bào cơ, da và các mô khác bên trong cơ thể.
  • Chống nhiễm trùng, cân bằng chất lỏng nội mô trong cơ thể và mang oxy theo máu đi khắp cơ thể; từ đó, giúp cho vết mổ nhanh hồi phục và không để lại sẹo.

Protein có nhiều trong:

  • Thịt, trứng và sữa động vật: Thịt đỏ (hèo, bò, cừu,…); thịt gia cầm (gà, vịt, ngan,…), hải sản (tôm, mực, cua, ghẹ,…), trứng gà / vịt / cút / ngỗng, sữa bò, sữa dê,…
  • Các loại đậu: Đậu nành, đậu lăng, đậu tây, đậu xanh, đậu hà lan,…;
  • Thực vật khác: Rau chân vịt, cải bó xôi, cả ngọt, nấm, măng tây, ngô,…

2. Thực phẩm giàu canxi, sắt và kẽm

Canxi

Canxi là khoáng chất quan trọng giúp cho xương và răng chắc khỏe, đồng thời ngăn ngừa tình trạng loãng xương sau sinh. Mẹ sau sinh cho con bú cần bổ sung tối thiểu 1300 mg và tối đa 2500 mg canxi mỗi ngày theo khuyến cáo mới nhất từ Bộ Y tế. Nguồn canxi từ thực phẩm thường đến từ sữa bò tươi, sữa đạm whey, sữa tách béo hoặc nguyên kem, sữa công thức, sữa chua, phô mát, tất cả các loại rau có màu xanh thẫm và tất cả các loại cá có xương có thể ăn được.

Sắt

Bên cạnh Canxi, Sắt là dưỡng chất quan trọng giúp duy trì nồng độ huyết sắc tố trong cơ thể đồng thời giúp cho các mẹ bổ sung lại lượng máu đã mất trong quá trình sinh nở. Không những thế, việc bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Các loại thực phẩm giàu sắt bao gồm lòng đỏ trứng gà, thịt đỏ, hàu, gan bò, rau dền, củ dền và trái cây khô. Đây cũng là những gợi ý tuyệt vời nên cho vào thực đơn cho mẹ sau sinh mổ.

Kẽm (Zinc)

Mẹ sau sinh mổ cho con bú cần được bổ sung từ 6.6mg đến 11mg kẽm mỗi ngày theo khuyến cáo mới nhất được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt năm 2015. Kẽm có thể được tìm thấy nhiều trong thịt đỏ, gan động vật, hải sản (nghêu, cua, tôm hùm), ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, mầm lúa mì, hạt bí ngô, hạt óc chó, hạt điều,…)

3. Thực phẩm giàu vitamin

Vitamin là một hợp chất có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp tăng cường sản xuất collagen trong cơ thể; từ đó, chúng mang lại hiệu quả tái tạo tế bào da mới và làm mờ sẹo hiệu quả. Không những thế, việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất còn giúp làm đẹp da và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể sau sinh. Một số nhóm thực phẩm giàu vitamin trong thực đơn cho mẹ sau sinh mổ mà bạn tuyệt đối không nên bỏ qua gồm:

  • Thực phẩm giàu vitamin A: Có trong các loại củ quả có màu đỏ cam (cà chua, đu đủ, ớt chuông, bí đỏ, cà rốt, khoai lang, xoài…), các loại rau xanh (cải xoăn, rau chân vịt, bông cải xanh,…), gan bò, dầu cá, sữa, lòng đỏ trứng.
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Bông cải xanh, bắp cải, kiwi, cam, dâu tây và cà chua là một số ít trong số nhiều loại trái cây và rau quả có chứa vitamin C. Trái cây họ cam quýt cũng thường được biết đến với lượng vitamin C cao.
  • Thực phẩm giàu vitamin D3: Lòng đỏ trứng, phô mai, sữa, gan bò, mỡ của các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích, cá thu.
  • Thực phẩm giàu vitamin E: Quả bơ, lòng đỏ trứng, rau lá xanh, quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

4. Thực phẩm giàu chất xơ

Táo bón sau sinh là căn bệnh phổ biến xảy ra khi cơ thể không được bổ sung đầy đủ lượng chất xơ cần thiết. Chứng táo bón không chỉ làm chậm quá trình phục hồi vết thương mà còn gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa của dạ dày và ruột. Vì thế, để ngăn ngừa chứng táo bón sau sinh mổ, các mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, các loại đậu và hạt gồm đậu lăng, đậu xanh, hạt chia, hạt diêm mạch, hạnh nhân,… vào thực đơn cho mẹ sau sinh mổ. Ngoài công dụng ngăn ngừa táo bón thì những thực phẩm này còn cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp cho cơ thể phục hồi nhanh chóng sau khi sinh.

5. Sản phẩm từ sữa

Nếu bạn đang cần một loại thực phẩm All-In-One, có chứa tất cả chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ sau sinh mổ, thì hãy chọn Sữa. Sữa vừa giàu protein, canxi, sắt, kẽm, vitamin và chất xơ nên cực kỳ tốt cho sản phụ sau sinh mổ. Có thể nói, sữa là một thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn cho mẹ sau sinh mổ.

Bên cạnh đó, sữa còn chứa nhiều Magiê (ngăn ngừa loãng xương), các loại chất béo tốt như DHA, EPA, Choline, Lutein, Omega 3, Omega 6, Omega 9 giúp mẹ có đủ “nhiên liệu” để sản sinh nguồn sữa chất lượng cho con. Mẹ nên hình thành thói quen tiêu thụ ít nhất 650ml sữa mỗi ngày theo khuyến cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia để vừa đảm bảo cơ thể không bị thiếu hụt vi chất vừa lợi sữa cho bé.

6. Thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt

Mì ống, bánh mì nâu và gạo lứt là nhóm thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt luôn nằm trong chế độ dinh dưỡng lý tưởng dành cho sản phụ sau sinh mổ. Bởi chúng rất giàu carbohydrate giúp duy trì năng lượng cho cơ thể và tăng cường sản sinh sữa mẹ. Không những thế, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt còn rất giàu chất sắt, chất xơ và axit folic. Đây là các dưỡng chất rất cần thiết trong giai đoạn phát triển đầu đời của bé.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, mẹ sau sinh mổ cho con bú cần ăn vừa đủ 14.5 đơn vị ngũ cốc (290g tinh bột) mỗi ngày, tương đương với 798g cơm / 870g bánh phở / 1160g bún / 1030g miến / 551g bánh mì / 1800g ngô nếp / 1305g khoai sọ / 1218g khoai lang / 1580g khoai tây.

Mẹ nên kết hợp nhiều loại ngũ cốc khác nhau trong ngày để dễ dàng ăn đủ 290g tinh bột theo khuyến cáo, thay vì chỉ ăn một loại thực phẩm, dễ gây nhàm chán và ngán ngẫm. Hãy bắt đầu ngày mới với một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng cùng với các loại ngũ cốc nguyên hạt.

7. Thức ăn dễ tiêu hóa

Các mẹ mới sinh mổ nên cẩn thận tránh tiêu thụ đồ uống có ga, thực phẩm lên men, đồ chiên rán, cà phê, trà, bánh kẹo ngọt và thức ăn cay vì chúng dễ khiến đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng và khó tiêu. Theo đó, mẹ chỉ ăn nên thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng và đã được nấu chín. Tốt nhất, mẹ nên băm nhỏ thức ăn và chia thành nhiều bữa để giúp làm giảm gánh nặng tiêu hóa lên dạ dày. Các loại thức ăn dễ tiêu hóa mà mẹ có thể tham khảo như các loại súp, sữa và rau củ quả chứa nhiều chất xơ như mướp, rau dền, mồng tơi, chuối… Đây là các loại thực phẩm vừa dễ tiêu hóa vừa cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.

8. Rau và trái cây

Rau xanh và trái cây là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin C, A, K cùng nhiều vitamin và khoáng chất dồi dào rất tốt cho sản phụ mới sinh. Bên cạnh đậu, rau bina và bông cải xanh, bạn có thể bổ sung một số loại rau củ quả khác vào thực đơn sau sinh mổ gồm bơ, cà rốt, khoai tây, khoai lang,…Về trái cây, chuối, kiwi, đu đủ, dứa, ổi,… là các loại quả chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và giàu vitamin C giúp các mẹ phục hồi toàn diện sau sinh, đồng thời giúp cho làn da được mịn màng và trắng sáng.

9. Nghệ, tỏi và thực phẩm khác

Ngoài các loại thực phẩm đã được liệt kê ở trên thì khi xây dựng thực đơn cho bà đẻ mổ, tuyệt đối không thể thiếu hai loại gia vị là nghệ và tỏi:

  • Nghệ: Trong nghệ có chứa curcumin và khoáng chất giúp giảm viêm và kích thích vết mổ nhanh lên da non. Đồng thời ngăn ngừa sự hình thành của sẹo lồi.
  • Tỏi: Được đánh giá là loại kháng sinh tự nhiên nhờ chứa hàm lượng allicin dồi dào giúp diệt khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng ở vết mổ.

Ngoài ra, các mẹ có thể bổ sung thêm chuối tiêu, rong biển, măng tây, đu đủ xanh,…trong thực đơn cho mẹ sau sinh mổ hàng ngày để tăng cường dưỡng chất và tránh cảm giác ngán.

10. Nước

Nước giúp cơ thể không bị mất nước và ngăn ngừa táo bón sau sinh. Các mẹ nên duy trì thói quen bổ sung đủ 2200 ml nước mỗi ngày theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Thói quen này cũng sẽ giúp làm mềm nhu động ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh sau phẫu thuật.

Thông thường, cơ thể sẽ nhận được 30 – 40% lượng nước đến từ thực phẩm tự nhiên. Vì thế, mẹ chỉ cần bổ sung thêm từ 1320 ml – 1540 ml nước lọc mỗi ngày là sẽ nhận đủ 2200 ml nước trong khẩu phần ăn uống mỗi ngày theo khuyến cáo.

Nếu chán uống nước lọc, mẹ có thể xen kẽ thực đơn, thay bằng các loại thức uống bổ dưỡng vá thơm ngon khác như sữa ít béo, nước trái cây, sinh tố ít ngọt,… vào thực đơn cho mẹ sau sinh mổ để giúp cải thiện nguồn sữa mẹ. Đặc biệt, các mẹ nên tránh những thức uống chứa caffein như cà phê, trà và nước tăng lực vì chúng có thể đi vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.

Một số món ăn cho cơm cữ dành cho mẹ sinh mổ ngon miệng, nhiều sữa

Các mẹ bỉm sau sinh có thể tham khảo một số gợi ý món ăn dưới đây để xây dựng thực đơn cho mẹ sau sinh mổ phù hợp nhằm tăng nguồn sữa và giúp cho cơ thể nhanh chóng phục hồi.

  • Món ăn sáng: cháo yến mạch, cháo chim bồ câu, phở bò, khoai lang nướng, ngũ cốc dinh dưỡng, bánh bao, bánh cuốn, trứng ốp la bánh mì,…
  • Món ăn cho bữa chính: tôm rang thịt, canh đu đủ thịt băm, thịt bò xào mướp, thịt kho củ cải, gà kho gừng, canh mồng tơi nấu tôm, canh đu đủ hầm giò heo,…
  • Món ăn cho bữa phụ: phô mai, sữa chua, bơ đậu phộng, bánh mì ngũ cốc, trứng luộc, rong biển, khoai tây, trái cây, các loại hạt,…

Trên đây là một số món ăn cơm cữ dành cho mẹ sinh mổ. Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý cách chế biến các món ăn cho mẹ sau sinh mổ tốt nhất đó là hạn chế chiên xào dầu mỡ, thay vào đó bạn nên ưu tiên các món luộc, hấp và tuyệt đối không nêm gia vị quá đậm.

Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ bồi bổ cơ thể và lợi sữa

Đây là một số gợi ý về thực đơn cho mẹ sau sinh mổ trong tuần đầu tiên:

Thực đơn ở cữ sau sinh mổ ngày 1

  • Bữa sáng: 1 bát cháo thịt bằm, 1 ly sữa tươi, nửa quả táo.
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng, 1 bát canh bí đỏ nấu sườn và 1 hộp sữa chua.
  • Bữa tối: 1 dĩa sườn xào chua ngọt, 1 bát cơm trắng, 1 bát canh móng giò hầm đu đủ.

Thực đơn cho bà đẻ mổ ngày 2

  • Bữa sáng: 1 bát ngũ cốc trộn với sữa tươi và 5 quả dâu tây.
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa rau cải xào thịt, 1 bát canh rau cải bó xôi
  • Bữa tối: 1 bát cơm trắng, 1 bát canh rau ngót nấu với thịt sườn, 1 quả chuối.

Thực đơn sau sinh mổ ngày 3

  • Bữa sáng: 1 chén súp nấm, 1 ly sữa đậu nành.
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa thịt viên sốt cà chua, 1 ly sữa tươi.
  • Bữa tối: 1 dĩa cá hồi áp chảo, 1 bát cơm trắng, 1 bát canh rau mồng tơi nấu với tôm khô

Thực đơn cho mẹ sinh mổ ngày 4

  • Bữa sáng: 2 lát bánh mì nướng, 2 quả trứng ốp la, nửa quả đu đủ.
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa thịt kho, 1 bát canh khoai sọ.
  • Bữa tối: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa tôm rang, 1 bát canh bí xanh thịt bằm.

Cơm cữ dành cho mẹ sinh mổ ngày 5

  • Bữa sáng: 1 bát cháo chim bồ câu, 1 ly nước ép dứa.
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa cá ba sa kho tương, 1 miếng phô mai
  • Bữa tối: 1 bát cơm trắng, 1 bát canh rong biển, 1 dĩa su hào xào thịt.

Thực đơn ở cữ cho mẹ sinh mổ ngày 6

  • Bữa sáng: 1 bát súp nấm, 1 ly nước ép trái cây
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa gà rang gừng, 1 bát canh gà hầm sâm
  • Bữa tối: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa rau lang luộc, 1 bát canh bí đỏ với tôm.

Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ ngày 7

  • Bữa sáng: 1 bát cháo cá đỗ xanh, nước ép táo.
  • Bữa trưa: 1 dĩa su su hấp, 1 bát cơm trắng, 1 bát canh đuôi bò ninh cà rốt.
  • Bữa tối: 1 bát gà tần thuốc bắc, 1 bát cơm trắng, 1 ly nước lọc.

Cùng với việc tìm hiểu và xây dựng thực đơn cho mẹ sinh mổ, các mẹ cũng nên chú trọng đến chế độ chăm sóc cơ thể và nghỉ ngơi phù hợp để tạo ra nguồn sữa tốt nhất dành cho trẻ bởi theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

Do đó, các mẹ cần đảm bảo nguồn sữa phải có đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu để không làm cản trở sự phát triển của bé. Trong trường hợp bạn nghi ngờ bé bị thiếu chất do sữa mẹ không đủ dinh dưỡng hoặc chưa biết ăn gì để có nhiều sữa sau sinh, tham khảo ngay Dịch vụ Tư vấn Thực đơn và Dịch vụ xét nghiệm sữa mẹ tại Nutrihome.

Trên đây là gợi ý một số thực đơn cho mẹ sau sinh mổ để hỗ trợ quá trình hồi phục vết thương và tăng cường sữa cho con bú. Khi xây dựng thực đơn ở cữ cho mẹ sinh mổ cần phải đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng như protein, vitamin, khoáng chất và nước giúp. Đồng thời, mẹ cũng nên tránh những thực phẩm khó tiêu hóa, đồ ăn cay nóng và các chất kích thích không tốt cho việc lành thương. Mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có thực đơn phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mẹ sau khi sinh mổ. Hy vọng rằng thông qua những thông tin được Nutrihome chia sẻ sẽ là cẩm nang hữu ích giúp cho các mẹ có được một thời kỳ ở cữ mạnh khỏe và hạnh phúc.

huyendo

Tất cả bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và giúp bạn có thêm thông tin lựa chọn. Tiêu chí chúng tôi là đức năng thắng số.